Một Đồng Tiền = Một Đồng Hàng
Hàng chất lượng – giá cạnh tranh.
Hàng đảm bảo – giá vừa phải.
Hàng “rởm” – giá ….
Đứng ở vai trò người mua, khi nói về – chất lượng và giá cả – đây luôn là hai điều được bàn luận tới lui. Bạn đã bao giờ nghĩ “1 đồng tiền” bạn bỏ ra bằng “1 đồng hàng” bạn mang về?
Công ty tôi đang làm việc chuyên sản xuất và thương mại đèn LED. Các khách hàng tôi tiếp cận đa phần là khách trong ngành điện hoặc liên quan tới thương mại thiết bị điện. Tôi đã có nhiều dịp nói chuyện với họ, những điều chúng tôi trao đổi cũng thường xoay quanh chuyện chất lượng và giá cả.
Tôi đã từng đi giới thiệu sản phẩm mới cho rất nhiều khách hàng. Bạn có tin, khi bạn chào hàng một sản phẩm chất lượng thì khách hàng sẽ nói đến chuyện giá cả. Sản phẩm chất lượng của bạn sẽ được đưa ra so sánh với hàng loạt sản phẩm giá rẻ trên thị trường đang “cháy hàng” hay “đứt hàng liên tục”. Còn nếu bạn bạn giới thiệu sản phẩm giá rẻ, cũng có khi cho vị khách đó. Bạn sẽ nhận được góp ý về chất lượng sản phẩm. Họ có thể so sánh chi tiết để bạn phải “cứng lưỡi” với câu hỏi: “Sản phẩm của em có được như vậy không?”. Khách hàng thường thì muốn mua được hàng hoá với giá rẻ nhưng chất lượng phải tốt nhất. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có hàng chất lượng cao mà giá thành thấp?
Trên thực tế, một đồng tiền = 1 đồng hàng. Số tiền bạn bỏ ra sẽ tương đương với số hàng bạn mang về. Tôi có thể nói cho bạn một sự thật mà bạn vẫn chưa chấp nhận đó là không bao giờ có chuyện hàng chất lượng cao – giá thấp. Không bao giờ có chuyện đó xảy ra.
Sở dĩ tôi dám khẳng định như thế là vì có lý do. Trong cương vị là một nhà sản xuất hay đầu tư, bạn sẽ biết điểm mấu chốt trong mối quan hệ giữa chất lượng và giá thành sản phẩm. Sản xuất hàng rẻ. chất lượng thấp – đó là điều không khó. Nhưng để làm nên sản phẩm có chất lượng ngoài việc phải chọn lựa các vật liệu đầu vào chất lượng cao nhà sản xuất cần phải đầu tư máy móc kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ quản lý có kinh nghiệm, những công nhân lành nghề và vô số các nguồn lực khác. Các khâu trong quá trình sản xuất, kiểm định, đóng gói, lưu chuyển phải được đánh giá chất lượng một cách khắt khe bởi bộ phận QC để đảm bảo giảm tối đa hàng kém hay lỗi chất lượng ra thị trường. Do đó, chi phí giá thành có quan hệ chặt chẽ với chất lượng sản phẩm.
Dù là người bán hàng hay mua hàng, tôi và bạn đều biết “tiền nào của đó.” Chúng ta cần thay đổi tư duy trong việc suy nghĩ tới giá thành của một sản phẩm bất kỳ. Bạn là người mua hàng, bạn muốn mua được hàng chất lượng cao – giá thấp. Tôi là người bán hàng, nếu tư duy theo cách nghịch đảo của bạn: Bán được hàng (chất lượng thấp) – với giá cao – Bạn có chấp nhận một cửa hàng hay một công ty kinh doanh hàng dỏm mà lại bán với giá cao? Câu trả lời là không. Chất lượng quyết định giá sản phẩm. Cũng giống như câu nói “tiền nào của đó” hay câu chuyện về 1 đồng tiền = 1 đồng hàng, khi đã hiểu rõ thì chúng ta không còn đòi hỏi chất lượng hàng hóa cao hơn số tiền mình bỏ ra mua nó.
Một hộ kinh doanh thiết bị điện tại Quận 2, TP. HCM, ông chủ là người vừa bán hàng vừa sửa thiết bị điện. Một cửa hàng kinh doanh đồ điện máy gần đó mới xây xong và tới mua đèn lắp. Anh đã thuyết phục vị khách mua hàng chất lượng để dùng. Vị khách từ chối. Sau đó, họ đã chọn mua đèn chỉ với ~30k/bộ để sử dụng. Một tháng sau, họ cho nhân viên tháo đèn hư mang tới cửa tiệm nhờ sửa. Tuần nào họ cũng có những chiếc đèn hư. Sau một thời gian, họ quyết định mua đèn mới để thay thế để khỏi ảnh hưởng tới chuyện kinh doanh. Nếu quyết định chọn lựa sử dụng những sản phẩm đảm bảo chất lượng và không chọn loại giá rẻ kia thì cửa hàng kinh doanh đồ điện máy có lẽ đã không bận tâm chuyện đèn hư liên tục, tốn nhân công tháo lắp, tốn tiền thay thế đèn mới chỉ sau mấy tháng sử dụng.
Khi bạn mua một hàng hóa bất kỳ, đừng vội check giá, bạn hãy suy nghĩ hàng hóa đó có hữu ích cho bản thân, cho gia đình hay công ty bạn không? Mặt hàng bạn mua có thực sự làm tăng giá trị hạnh phúc trong cuộc sống của bạn hay nó làm phiền bạn? Hãy trở thành người tiêu dùng thông minh, lựa chọn cho mình những giá trị bền vững và mang tới hạnh phúc cho bản thân và những người chung quanh.
Save time. Save money. Save energy